595 lượt xem

CÚM A H5N1: DẤU HIỆU, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Dấu hiệu, triệu chứng bệnh cúm A H5N1

Người nhiễm virus cúm A H5N1 thường có những triệu chứng diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường, nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Những dấu hiệu cơ bản bệnh cúm A/H5N1 cần lưu ý:

  • Sốt cao liên tục trên 38oC.
  • Cảm thấy rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc.
  • Đau ngực, tim đập nhanh.
  • Đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm.
  • Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng do A/H5N1 trở nên trầm trọng. Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man.

Bệnh cúm A/H5N1 có thể diễn tiến nghiêm trọng dần và gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiếm gặp hơn, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng viêm kết mạc. Tùy vào từng giai đoạn bệnh và thể trạng khác nhau ở mỗi người mà các triệu chứng sẽ khác nhau.

Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm A H5N1

Giai đoạn khởi phát

Sau giai đoạn ủ bệnh, người bệnh đột ngột sốt cao trên 38 độ, đau nhức, mệt mỏi khắp toàn thân, chán ăn, uể oải.

Giai đoạn toàn phát

Sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, người nhiễm cúm A/H5N1 sẽ gặp các dấu hiệu nhận biết bệnh rõ ràng như:

  • Sốt cao liên tục: Do ảnh hưởng của hệ thần kinh trung ương, người bệnh có thể lâm vào tình trạng hôn mê, rối loạn ý thức, giảm trí nhớ, mất tỉnh táo, đau rát họng, mệt mỏi, da nóng, đỏ.
  • Xuất hiện cơn ho, thường ho khan, một số ho có đờm.
  • Đau nhức toàn thân, đặc biệt là đau đầu, đau quanh hốc mắt, thái dương. Đau xương, khớp, cẳng chân và vùng thắt lưng dữ dội.

Ngay xuất hiện những triệu chứng cảnh báo trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Biến chứng bệnh cúm A H5N1

BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo, người mắc cúm A H5N1 có diễn tiến nặng chỉ sau nửa ngày nếu không điều trị kịp thời. Virus cúm A/H5N1 khiến người bệnh bị suy đường hô hấp cấp dẫn đến thiếu oxy và gây tổn thương các phủ tạng quan trọng, đe dọa trực tiếp tính mạng.

Bệnh cúm khi không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là nguồn khởi phát cho các biến chứng:

  • Tổn thương hệ hô hấp: đây là biến chứng thường gặp nhất khi virus A/H5N1 tấn công, gây bội nhiễm phế quản – phổi, viêm phổi.
  • Bội nhiễm Tai – Mũi – Họng: biến chứng này phổ biến ở trẻ nhỏ.
  • Suy đa tạng: Các bộ phận quan trọng như thận, gan, não bị ảnh hưởng khi bệnh cúm A/H5N1 diễn tiến nặng. Hệ miễn dịch trở nên suy yếu do số lượng bạch cầu, bạch cầu trung tính giảm mạnh.
  • Ngoài ra, các hội chứng nghiêm trọng cũng có thể xảy ra ví dụ như đông máu nội mạch rải rác, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim… Người bệnh cũng có thể bị phù não, viêm màng não lympho.

Cúm A H5N1 có chữa được không? Cách điều trị cúm A H5N1

Cúm A h5n1 có thể điều trị ĐƯỢC! tốt nhất Người bị cúm A H5N1 nên đến bệnh viện để được điều trị vì nếu điều trị tại nhà không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho cả người bệnh và người chăm sóc. Nếu bệnh ở mức độ nặng, người bệnh cần phải nhập viện để được theo dõi, điều trị và chăm sóc phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát.

Khi điều trị tại nhà, người bệnh cần thực hiện các biện pháp dưới đây để bệnh sớm khỏi:

  • Nghỉ ngơi cho tới khi hạ sốt, thư giãn trong môi trường thoáng khí, tránh những nơi có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, không nên nằm phòng điều hòa.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn các đồ dễ tiêu, thực phẩm lỏng, nóng và uống nhiều nước. Tránh ăn đồ ăn lạnh ảnh hưởng tới họng và lâu khỏi bệnh.
  • Sử dụng nước muối loãng có tính sát khuẩn tốt để vệ sinh họng 2-3 lần/ngày để giảm nhanh triệu chứng đau rát họng và viêm họng.
  • Vệ sinh mũi bằng thuốc xịt mỗi ngày để kiểm soát viêm nhiễm.

Thuốc điều trị cúm A H5N1

Hiện nay, người mắc cúm A H5N1 đang được khuyến cáo sử dụng thuốc kháng virus Oeltamivir (Tamiflu) để điều trị, cần phải điều trị càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Trong trường hợp Oeltamivir không có hiệu quả, người bệnh có thể sử dụng Zanamivir (Relenza) nhằm giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. Cần lưu ý, tất cả các loại thuốc khi sử dụng đều phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu người bệnh sốt cao trên 38 độ, sốt kéo dài liên tục thì nên uống Paracetamol. Các trường hợp ho khan, ho có đờm, đau cơ khớp… người bệnh chỉ nên điều trị bằng thuốc Codein nếu cần thiết theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Những ca nhiễm cúm A/H5N1 tiến triển nặng, có dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định dùng corticosteroid.

Tuyệt đối không không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt do cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em.

Cách phòng ngừa cúm A H5N1

Cúm là loại virus có nhiều chủng loại và biến đổi hàng năm, kể cả chủng A/H5N1 cũng liên tục đột biến. Đến nay, vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu cúm A/H5N1, để chủ động phòng chống dịch cúm A (H5N1) lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:

  • Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
  • Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
  • Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
  • Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.