344 lượt xem

Một số điều cần biết về phòng ngừa bệnh dại bằng vắc xin

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người bởi virus dại với 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn. Khi bệnh nhân lên cơn dại, không có bất cứ phương pháp nào có thể cứu chữa, tỷ lệ tử vong lên đến 100%.

Tuy nhiên, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng vắc xin. Tiêm phòng dại có thể được sử dụng như một biện pháp dự phòng trước khi tiếp xúc đối với người có nguy cơ cao hoặc đối với những người sau khi bị cắn bởi chó hoặc mèo nhiễm bệnh dại.

1. Mức độ nguy hiểm của bệnh dại

Virus dại khi tiếp xúc và xâm nhập vào cơ thể người sẽ tấn công hệ thần kinh trung ương, nếu không được can thiệp kịp thời và hiệu quả, virus sẽ gây ra các tổn thương nghiêm trọng đến não và dẫn đến tử vong. Khi các triệu chứng lâm sàng của bệnh dại đã xuất hiện, khả năng hồi phục hoàn toàn là rất thấp, và tỷ lệ tử vong do bệnh dại gần như là 100%. Do đó, việc phòng ngừa bằng vắc xin và chăm sóc y tế kịp thời và đúng cách là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con người.

Theo thống kê, có khoảng hơn 5 triệu gia đình nuôi chó trên toàn quốc. Tuy nhiên, số lượng chó được nuôi lớn hơn nhiều so với con số này. Tình trạng tiêm phòng dại cho chó vẫn còn thấp, do đó nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ chó sang người vẫn còn đáng lo ngại.

Theo các chuyên gia y tế, để đạt được hiệu quả miễn dịch, cần có ít nhất 70% vật nuôi trong khu vực được tiêm phòng dại. Tuy nhiên, hiện tại con số này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn rất cao và số nạn nhân của căn bệnh nguy hiểm này vẫn tiếp tục tăng lên.

Nguy hiểm hơn, hiện tại bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi một người mắc bệnh dại đã khởi phát triệu chứng, tỷ lệ tử vong gần như là 100%. Vì vậy, việc tiêm phòng đầy đủ và đúng liều lượng vắc xin dại là rất quan trọng để phòng ngừa bệnh dại. Vậy, có mấy loại vắc xin phòng dại? Tiêm phòng dại mấy mũi là đủ? Hiệu quả phòng bệnh ra sao?

2. Các loại vắc xin dại đang được sử dụng tại Việt Nam?

– Vắc xin Verorab (Pháp): là vắc xin phòng dại cho trẻ em và người lớn, được nghiên cứu và sản xuất bởi Sanofi Pasteur – Tập đoàn hàng đầu thế giới về chế phẩm sinh học và dược phẩm. Đây là loại vắc xin tế bào được Bộ Y tế áp dụng tiêm cho người dân Việt Nam từ những năm 1992.

– Vắc xin Abhayrab (Ấn Độ): là vắc xin tế bào vero tinh chế, được sản xuất bởi công ty Human Biological Institute.

– Vắc xin Indirab (Ấn Độ): là vắc xin tế bào vero tinh chế, được sản xuất bởi công ty Bharat Biotech International Limited.

3. Tiêm phòng dại bao nhiêu mũi?

Đây là phác đồ được khuyến khích tiêm cho những đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao với virus dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân nuôi chó và những người đi du lịch đến các vùng đang lưu hành bệnh dại.

Lịch tiêm vắc xin dại:

– Trước phơi nhiễm:

Mũi 1: Tiêm vào thời điểm bất kỳ.

Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 tối thiểu 7 ngày.

Mũi 3: Tiêm cách mũi 1 tối thiểu 21 hoặc 28 ngày.

Mũi nhắc: Tiêm nhắc lại lúc một năm sau khi tiêm liều cơ bản, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 5 năm.

– Sau phơi nhiễm:

+ Người chưa tiêm dự phòng dại trước đó:

Mũi 1: Ngày thứ 0

Mũi 2: Ngày thứ 3

Mũi 3: Ngày thứ 7

Mũi 4: Ngày thứ 14

Mũi 5: Ngày thứ 28

Nếu con vật sống khỏe mạnh bình thường sau 10 ngày, thì tiêm 4 mũi vào ngày 0,3,7,28.

Kèm theo Huyết thanh kháng dại cho vết thương từ độ III hoặc người có có vết thương II có kèm ức chế miễn dịch.

+ Người đã tiêm dự phòng dại trong vòng 5 năm:

Mũi 1: Ngày thứ 0

Mũi 2: Ngày thứ 3

Không cần dùng Huyết thanh kháng dại cho vết thương độ III.

Lưu ý: Nên tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật tấn công. Sau ngày tiêm liều đầu tiên vắc xin dại, không tiêm huyết thanh trễ hơn 7 ngày.

4. Cách xử lý vết thương khi bị động vật nghi dại cắn như thế nào?

Trong vòng 15 phút sau khi bị cắn hoặc cào, cần nhanh chóng xối rửa sạch sẽ triệt để vết thương bằng nước và xà phòng hoặc nước sạch. Tiếp theo, cần sát khuẩn vết thương bằng cồn 45° – 70° hoặc cồn iode để giảm thiểu và hạn chế sự lây lan của virus dại trong vết thương. Có thể bảo vệ vết thương này bằng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội hoặc sữa tắm.

Để tránh làm tổn thương rộng hơn hoặc làm dập nát thêm vết thương, nên tránh khâu kín ngay. Trong một số trường hợp bất khả kháng, bắt buộc phải khâu vết thương, nên chờ vài giờ đến 3 ngày trước khi khâu. Ngoài ra, sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương, nên khâu ngắt quãng hoặc bỏ mũi.

Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.

5. Không tiêm phòng dại có sao không?

Không tiêm phòng dại có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu một người tiếp xúc với virus dại khi bị động vật dại/nghi ngờ bị dại liếm/cào/cắn.

Nếu không tiêm phòng dại, sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại cao khi tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, đặc biệt là chó, mèo, cáo, chồn hay dơi, khỉ… bởi bệnh dại có đường lây truyền đơn giản, chỉ thông qua nước bọt hoặc vết cắn của động vật bị nhiễm bệnh.

Khi mắc bệnh dại, virus dại có thể gây ra các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn và thậm chí có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm não, liệt cơ, co giật và hôn mê với tỉ lệ tử vong rất cao, gần như là 100% nếu không được điều trị kịp thời.

Nếu chưa tiêm phòng dại và bị cắn bởi động vật có nguy cơ nhiễm bệnh dại, cần phải gặp bác sĩ ngay lập tức để được điều trị khẩn cấp. Điều trị bao gồm vệ sinh vết thương và tiêm phòng dại sau cắn, cùng với việc sử dụng huyết thanh kháng dại nếu cần thiết. Tuy nhiên, phương pháp này không đảm bảo hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh dại.

Do đó, việc tiêm phòng dại trước khi phơi nhiễm giúp tăng cao khả năng phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus dại, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ tiếp xúc cao với động vật bị nhiễm bệnh như người làm việc trong ngành y tế, thú y, những người thường xuyên đi du lịch hoặc sinh sống ở khu vực có nguy cơ dại cao. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc nam hoặc các biện pháp dân gian như lấy nọc để điều trị.

6. Tiêm phòng dại có hại không?

Chính vì lo lắng không biết tiêm phòng dại có hại không nên nhiều người còn e dè với loại vắc xin này. Cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào, vắc xin ngừa bệnh dại cũng có khả năng gây ra các phản ứng sau tiêm vắc xin, chẳng hạn như phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, vắc xin phòng bệnh dại được làm từ virus dại đã chết và nó không thể gây bệnh dại. Do đó, nguy cơ vắc xin gây ra tác hại nghiêm trọng, hoặc tử vong, là vô cùng nhỏ. Các vấn đề phản ứng nghiêm trọng từ vắc xin bệnh dại là rất hiếm.

Một số phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin phòng dại:

– Đau nhức, đỏ, sưng hoặc ngứa nơi tiêm thuốc.

– Nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, đau cơ, chóng mặt.

– Nổi mề đay, đau khớp, sốt (khoảng 6% liều tăng cường).

7. Khi bị động vật nghi dại cắn thì nên tiêm ngừa ở đâu?

Hiện nay có rất nhiều trung tâm tiêm chủng uy tín tại khu vực TP. HCM. Người bị chó cắn có thể đến các trung tâm tiêm chủng gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại.

Phòng Tiêm ngừa Khu khám bệnh Chất lượng cao, Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông có các loại vắc xin ngừa bệnh dại và đang được chỉ định tiêm chủng theo phác đồ của Bộ Y tế, nhằm phù hợp hóa với thể trạng và đặc điểm sinh lý của người Việt Nam, đảm bảo hiệu quả bảo vệ cao nhất cho người được tiêm.

Khách hàng được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc xin theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới.

– Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý khách hàng và áp dụng cách giảm đau hiệu quả trong quá trình tiêm chủng.

– 100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.

– Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.

– Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu ngồi chờ trước, trong và sau tiêm ngừa.

– Vắc xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng.

8. Sau khi tiêm phòng cần lưu ý gì?

– Tiêm đủ liều như bác sĩ chỉ định và đảm bảo đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm.

– Sau khi tiêm phòng dại, cần tránh làm việc quá sức để tránh tình trạng suy nhược cơ thể, không dùng thuốc ức chế hay thuốc có khả năng làm suy yếu hệ miễn dịch.

– Không sử dụng bất cứ loại đồ uống có cồn hay chứa chất kích thích nào để không gây khó khăn cho việc theo dõi về sau.

– Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể sau khi tiêm phòng để hệ miễn dịch được cải thiện, vắc xin phát huy được đầy đủ tác dụng và giảm được nguy cơ xảy ra tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin phòng dại.

– Báo lại ngay với bác sĩ tại phòng tiêm ngừa khi có bất cứ phản ứng gì bất thường sau tiêm chủng.

Tóm lại, việc phòng ngừa bệnh dại là cách duy nhất để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do mắc bệnh dại. Việc tiêm vắc xin dại trước và sau khi tiếp xúc với virus dại giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại virus dại. Để đảm bảo hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng và số lần tiêm theo quy định để đạt được đáp ứng miễn dịch hoàn chỉnh…

Hy vọng những thông tin trên đây đã giải đáp được những thắc mắc về tiêm phòng dại và các vấn đề liên quan đến mũi tiêm này. Nếu cần thêm thông tin tư vấn về vắc xin phòng dại, vui lòng liên hệ số điện thoại 0902.577.984 hoặc 0936.338.397 để được giải đáp cụ thể.

BSCKI. NGUYỄN NHẤT PHƯƠNG (Phụ trách Phòng Tiêm ngừa)