446 lượt xem

Loạt thay đổi quan trọng về hưởng chính sách BHXH người dân cần biết

Bước sang tháng 2/2023, nhiều quy định mới trong chính sách bảo hiểm xã hội sẽ được đưa vào thực hiện người dân cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình.

Có hiệu lực từ ngày 15/2/2023, Thông tư số 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) khi bị ốm đau, mắc Covid-19 điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp…

Các trường hợp hưởng BHXH một lần không cần giám định y khoa

Theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT, các trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH, đều phải khám giám định xác định không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Zalo
Từ tháng 2/2023, sẽ có nhiều thay đổi quan trọng về hưởng chính sách BHXH khi ốm đau. (Ảnh minh họa.)

Còn theo Thông tư số 18/2022/TT-BYT, trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS chỉ cần căn cứ vào bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án để xem xét, giải quyết chế độ. Không cần giám định y khoa.

Chỉ các đối tượng người mắc các bệnh, tật khác và có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn cần giám định y khoa để làm cơ sở được hưởng BHXH một lần.

Bỏ quy định về thời hạn giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời hạn giám định lại ít nhất sau 2 năm (đủ 24 tháng), kể từ ngày người lao động được Hội đồng Giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần nhất trước đó.

Thông tư 18/2022/TT-BYT quy định, đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Không quy định thời hạn giám định lại ít nhất sau 2 năm (đủ 24 tháng).

Người bệnh lưu tại Trạm y tế xã cũng được cấp chứng nhận nghỉ hưởng BHXH

Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, “Trường hợp người bệnh được lưu tại Trạm y tế xã theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên tịch Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT khi kết thúc điều trị, theo dõi tại Trạm y tế thì được cấp giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này”. Thông tư chưa quy định ngày nghỉ hưởng BHXH là bao nhiêu ngày.

Tại Thông tư số 18/2022/TT-BYT quy định rõ số ngày nghỉ hưởng BHXH nhưng không quá 30 ngày.

Bổ sung trường hợp được tăng ngày nghỉ hưởng BHXH

Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, một lần khám chỉ được cấp một Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (tối đa 30 ngày). Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Thông tư chưa quy định một số trường hợp đặc biệt như mắc bệnh lao, trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên.

Nội dung nêu trên được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 18/2022/TT-BYT như sau:

Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo Chương trình Chống lao Quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật BHXH nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Gỡ vướng về cấp chứng nhận nghỉ hưởng BHXH cho người mắc COVID-19

Thông tư số 18/2022/TT-BYT bổ sung Điều 20a về cấp Giấy ra viện và Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, quy định cụ thể đối tượng cấp là người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được thành lập theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, gồm: Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; Bệnh viện điều trị COVID-19; Bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19; Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.

Thẩm quyền cấp là người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp Giấy ra viện và Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người bệnh sau khi kết thúc điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp Giấy đã cấp trước ngày Thông tư số 18/2022/TT-BYT có hiệu lực không đúng mẫu theo quy định Thông tư số 56/2017/TT-BYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại theo quy định tại Thông tư này. Đối với giấy ra viện ghi ngày vào viện, ngày ra viện theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú; ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp.

Trường hợp người lao động đã điều trị COVID-19 nhưng chưa được cấp Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã điều trị COVID-19 căn cứ đề nghị của người đó và hồ sơ bệnh án để cấp Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đối với Giấy ra viện ghi ngày vào viện và ngày ra viện ghi theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú; ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp.

Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong Giấy ra viện có ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú hoặc thời gian cách ly thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian ghi trong Giấy ra viện.

Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong Giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng người bệnh phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đã giải thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo quy định tại Khoản c Mục V Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng chịu trách nhiệm cấp hoặc cấp lại hoặc cấp mới Giấy ra viện, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người bệnh;

Ngoài ra, Thông tư số 18/2022/TT-BYT còn bổ sung Phụ lục 9 ban hành kèm theo để xác định số ngày nghỉ hưởng BHXH trong trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong Giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng người bệnh phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc hưởng BHXH được xác định theo thời gian cách ly quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này…

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn